Biểu hiện của sự vô ơn mà chúng ta rất thường gặp đó là nhiều người rất lười nói hai chữ “cảm ơn” khi được giúp đỡ, mặc dù đó chỉ là hình thức. Dường như họ sợ rằng nói thế là thừa nhận mình mang ơn, trong khi họ thật sự được giúp đỡ.

 

Sự vô ơn của con người ngày càng phổ biến, đáng báo động

Sự vô ơn là gì?

 

Vô ơn là căn bệnh vô cùng đáng sợ của thời đại mà chúng ta đang sống. Vô ơn, bạc nghĩa chính là một trong những dấu hiệu suy thoái đạo đức hay là ngược nghĩa với nhớ ơn hay biết ơn.

 

Ngày nay, đối với nhiều người, nhiều khi miệng nói cám ơn, nhưng lòng lại … vô ơn. Trong trường hợp này, hai tiếng “cám ơn” chỉ còn là ngôn ngữ giao tiếp, mất đi ý nghĩa thật sự của hai tiếng”cảm ơn”. Nhưng nghiêm trọng hơn là trước được người ta giúp đỡ, sau rồi quên luôn người giúp mình, thậm chí còn phản phúc.

 

Vì vậy, người ta thường hay ví von là “ăn cháo đã bát”. Người bội bạc, vô ơn không chỉ khiến cho người “làm ơn” buồn, thất vọng, cảm thấy bị lợi dụng, mà lòng vô ơn còn khiến cho người ta nhận thấy sự non trẻ, thiếu trưởng thành.

 

Có lẽ, nhiều người trong chúng ta cho rằng ‘vô ơn’ chỉ là chuyện nhỏ, đâu có chi to tát. Không. ‘Vô ơn’ không hề là ‘chuyện nhỏ’.

 

Hậu quả của tình trạng này là vô cùng nghiêm trọng. Đa số anh chị em chúng ta không hề biết quý trọng công sức mà người khác đem lại. Sự vô tình đó hiện nay có rất nhiều, vì vậy, chúng ta phải biết quý trọng công sức mà người khác, thể hiện lòng biết ơn của mình cũng như góp phần làm xã hội văn minh.

 

Những người có tư tưởng, thái độ sống vô ơn rất khó hòa nhập với xã hội, cộng đồng. Chẳng ai muốn đồng hành, làm bạn, sống gần, hợp tác, học hành chung….

 

Thái độ sống vô ơn không phải ngày một ngày hai hình thành, mà nó hình thành từ lúc người ta còn nhỏ. Nếu từ nhỏ, được gia đình giáo dục tử tế thì khi lớn lên họ sẽ sống biết điều, biết chuyện. Còn người lại, nếu gia đình không quan tâm bảo ban thì khi lớn lên họ sẽ sống dửng dưng, vô ơn, bạc nghĩa, bị người đời khinh rẻ.

Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng vô ơn ngày càng phổ biến, lan rộng, thì bậc làm cha làm mẹ phải dạy dỗ con mình ngay từ khi còn nhỏ. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện sau đây, tương lai của chúng sẽ dễ trở thành một người sống vô ơn.

 

Là người lớn phải dạy dỗ uốn nắn ngay từ đầu, đừng để nó hình thành thói quen thì sau này rất khó sửa, thay đổi.

 

Trong bài viết này, sẽ cùng bạn tìm hiểu biểu hiện của sự vô ơn, bạc nghĩa trong cuộc sống đời thường, và cách thức để thay đổi tư duy lệch lạc đó.

 

Những biểu hiện của sự vô ơn

Không biết cảm ơn trước sự giúp đỡ của người khác

 

Các đứa trẻ suốt ngày được giúp đỡ, được người khác làm cho việc này, việc khác, nhưng không một lời cảm ơn hoặc bày tỏ thái độ biết ơn. Chúng nghĩ rằng, việc người khác giúp đỡ mình là hiển nhiên, là tất yếu, là nghĩa vụ của mọi người xung quanh.

 

Không tôn trọng người lớn tuổi

Những đứa trẻ kiểu này không biết tôn trọng bố mẹ lẫn người lớn tuổi. Nguyên nhân của điều này có thể là do trẻ được chiều chuộng quá mức. Một số bố mẹ vì bận rộn công việc nên giao phó việc nuôi dưỡng con cái cho ông bà.

 

Ông bà thường thích cưng chiều, yêu thương cháu nên trẻ dễ dàng nảy sinh tính vô phép vô tắc, không biết kính trên nhường dưới, cho rằng mọi người cần nghe lời mình vô điều kiện.

 

Nếu muốn sửa đổi tính cách này của trẻ, điều quan trọng bố mẹ cần phải làm là để trẻ hiểu được thế giới này không phải chỉ xoay quanh mỗi chúng. Trẻ cần được nếm trải những hậu quả do tính cách ương bướng, không biết tôn trọng người khác gây ra.

 

Tự cho mình là trung tâm, sống ích kỷ

Khi không được giáo dục đàng hoàng, một số đứa trẻ rất thích gây ồn ào nơi công cộng, không quan tâm tới cảm xúc của người khác, lúc nào cũng cho mình là “cái rốn của vũ trụ”. Chúng chẳng bao giờ lắng nghe ý kiến người khác, cũng không bao giờ thừa nhận lỗi sai của mình.

 

Những đứa trẻ ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân, không muốn chia sẻ. Lúc nào chúng cũng nghĩ rằng, bố mẹ yêu thương chiều chuộng mình là điều hiển nhiên. Ví dụ trên một bàn ăn, chúng thản nhiên ăn hết các món ngon, không quan tâm bố mẹ mình, người khác ăn gì. Hay khi làm bất kỳ điều gì, chúng thường chỉ chăm chăm xem những lợi ích cho bản thân chứ không nghĩ tới người khác.

 

Những đứa trẻ tự cao tự đại như vậy khi lớn lên hầu hết đều không hiếu thuận. Chúng chỉ luôn quan tâm tới bản thân mà không bao giờ nghĩ cho người khác, liệu rằng một người như vậy sẽ sống có hiếu với bố mẹ mình?

 

Nếu không muốn con mình trở nên sống vô ơn và bất hiếu, bố mẹ cần đặt ra những nguyên tắc và hình phạt. Trẻ làm sai cần phải bị trừng phạt để rút ra kinh nghiệm, có như vậy sau này chúng mới sống tốt được.

 

 

Trốn tránh trách nhiệm

Một đứa trẻ không có tính trách nhiệm, mỗi khi gặp vấn đề thường chỉ biết đổ lỗi, không chủ động nhận sai, đây cũng là biểu hiện của sự vô ơn.

 

Với tính cách như vậy, không có gì lạ khi chúng sống vô ơn, không có trách nhiệm với bố mẹ khi về già, thậm chí tỏ thái độ bất hiếu.

 

Phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ

Vì thương con nên có không ít bố mẹ thích lo mọi thứ cho con từ a tới z. Tuy nhiên, cách làm này khiến đứa trẻ ngày càng ỷ lại vào bố mẹ mình. Khi một đứa trẻ không có khả năng tự chăm sóc bản thân, không biết tự lập, khi lớn lên chúng khó tách rời khỏi gia đình và thường không biết ơn với những gì bố mẹ làm cho mình.

 

 

Làm sao để rèn lòng biết ơn

Không nên làm tất cả thay cho trẻ

Đầu tiên, các bậc cha mẹ nên hiểu rằng không phải cứ làm cho con tất cả mọi việc là tốt và việc can thiệp quá nhiều vào đời sống riêng, chăm sóc con thái quá nhiều khi lại hại con và làm giảm tình cảm gia đình.

 

Nếu cứ chăm chăm bảo vệ, tìm cách bao bọc con thì dần dần trẻ sẽ nghĩ đó là điều đương nhiên, là trách nhiệm của cha mẹ. Từ đó, trẻ sẽ không hiểu được sự hy sinh cha mẹ dành cho mình, không có lòng biết ơn công lao của cha mẹ. Mặt khác, trẻ còn có thói quen ỷ lại, không có khả năng sống tự lập.

 

Không cho trẻ “độc quyền” hưởng thứ tốt nhất

Từ nhỏ luôn được cha mẹ yêu chiều, dành cho những thức ăn ngon nhất trong bữa ăn sẽ làm trẻ cho rằng mình nghiễm nhiên có đặc quyền hưởng những thứ ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất.

 

Trẻ sẽ không hiểu đó là tình yêu thương, là sự nhường nhịn và lớn lên chỉ biết yêu cầu, đòi hỏi từ người khác. Rất có thể trẻ còn không để ý đến cảm xúc của người khác, không biết chăm sóc cho cha mẹ và người thân.

 

Không để cho trẻ “cứ đòi là được”

Dù yêu con, thương con đến mấy thì các bậc phụ huynh cũng nên xem xét kỹ những yêu cầu của con trẻ, nếu thấy hợp lý thì đáp ứng, còn không thì phải kiên quyết từ chối và giải thích cho trẻ hiểu vì sao yêu cầu đó không hợp lý.

 

Không nên để cho trẻ có thói quen đòi trăng là được trăng, đòi sao là được sao. Hãy tạo cho trẻ cơ hội để hiểu rằng mọi thứ trên đời không phải tự nhiên mà có nên trẻ cần nỗ lực cố gắng mới có được thứ mình muốn.

 

Chia sẻ khó khăn với trẻ

Tùy theo từng độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ mà bạn có cách “tâm sự”, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, công việc của chính bạn và gia đình với con mình.

 

Đừng nghĩ trẻ nhỏ không thể hiểu được những điều đó, chúng hiểu và cảm nhận được, chỉ là chưa hiểu tường tận và chưa biết cách ứng xử thích hợp mà thôi. Hãy để trẻ dần dần hiểu rằng cuộc sống không dễ dàng mà luôn có thách thức và áp lực.

 

Trong thực tế, nhiều bậc cha mẹ thường giấu con những khó khăn của bản thân, của gia đình. Họ luôn muốn con sống trong một thế giới “vô trùng”, một thế giới chỉ có nụ cười và niềm vui.

 

Cách làm đó tuy xuất phát từ lòng yêu con vô bờ bến nhưng không phải là phương pháp dạy con hiệu quả. Thay vào đó, hãy coi và tôn trọng con như một người bạn để có thể chia sẻ không chỉ niềm vui, hạnh phúc mà còn chia sẻ cả sự khó khăn và những nỗi buồn. Như thế trẻ sẽ dần trưởng thành với thời gian, có suy nghĩ chín chắn và trở thành một con người tích cực, biết phấn đấu và có lòng biết ơn.

 

Làm gương cho con cái noi theo

Nói năng lễ phép, cử chỉ đúng mực, dành món ăn ngon nhất cho người cao tuổi trong gia đình ăn trước; dịp lễ tết tặng quà cho ông bà, bố mẹ; thường xuyên gọi điện thăm hỏi bố mẹ, ông bà nếu ở xa… là những ví dụ điển hình và trực quan mà bạn có thể thực hiển con mình có thể học theo.

 

Trẻ con chịu ảnh hưởng đầu tiên và sâu sắc nhất từ bố mẹ của mình, vì vậy cách bạn tỏ lòng biết ơn với những người xung quanh là phương pháp hiệu quả hơn nhiều khi bạn chỉ rao giảng lý thuyết suông với trẻ.

 

Tạo cơ hội cho trẻ tỏ lòng biết ơn

Khi trẻ muốn giúp bạn một việc gì đấy, nhất định không được nói: “Con học bài/đọc sách là được rồi”. Bởi các bậc cha mẹ thường coi học tốt và ngoan ngoãn là trách nhiệm lớn nhất của con cái lúc còn nhỏ nên câu cửa miệng luôn là nhắc con học bài, làm bài, chăm chỉ…

 

Làm như vậy sẽ khiến con trẻ bị áp lực về việc học và “thui chột” sự bày tỏ lòng biết ơn đối với bố mẹ. Chẳng lẽ biết ơn bố mẹ, ông bà và những người khác chỉ có cách là học tốt thôi sao? Hãy tạo cơ hội cho trẻ thể hiện lòng biết ơn là lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý.

Hãy dập tắt sự vô ơn và thổi bùng ngọn lửa biết ơn để cuộc sống thêm tươi đẹp

Biết ơn là bản chất tự nhiên tốt đẹp của con người

Lòng biết ơn là một cụm từ rất quen thuộc với mỗi người chúng ta, không chỉ là câu cửa miệng mà lòng biết ơn còn in sâu trong ý thức con người. Mỗi đứa trẻ tập nói đều giống nhau ở âm đầu tiên bập bẹ phát ra là “Mẹ”, là “Bà”.

 

Những âm đầu ấy bật ra từ  sự gần gũi, nhưng sâu thẳm trong ý thức của trẻ thơ khi phát ra những tiếng gọi đó là một thứ tình cảm đặc biệt đối với người yêu thương trẻ vô điều kiện. Người ta gọi thứ tình cảm đặc biệt ấy là lòng biết ơn.

 

Như một sự phát khởi tự nhiên trong tiềm thức, người lớn luôn nhắc nhở trẻ em nói lời “Cảm ơn!” với người đã yêu thương giúp đỡ mình. Bài học đầu đời ấy lẽ ra phải khắc cốt ghi tâm, nhưng hiện nay có rất nhiều người đã và đang lãng quên.

 

Đó không chỉ là điều đáng buồn mà còn để lại những hệ lụy trong cuộc sống. Cho nên, đừng quên ôn tập bài học về lòng biết ơn, nhất là với người trẻ sắp bước vào tuổi trưởng thành.

 

Biết ơn trước hết là sự ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác. Biết ơn cha mẹ đã cho chúng ta hình hài đầy đủ khi đến với cuộc đời.

 

Biết ơn thầy cô giáo, những người đã đi qua cuộc đời ta, để lại những bài học quý giá.

 

Biết ơn ông bà, tổ tiên nguồn cội đã giữ và truyền lại qua bao đời vóc dáng non sông, điệu tâm hồn, lòng  yêu đời tha thiết.

 

Biết ơn các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh những người đã không tiếc tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu bảo vệ Tổ quốc quê hương.

 

Biết ơn người bao bọc, giúp đỡ những khi ta gặp khó khăn, hoạn nạn.

 

Rộng hơn, lòng biết ơn là thể hiện sự trân quý của mình đối với những thành quả lao động sáng tạo, với kho tàng tri thức nhân loại do các thế hệ đi trước  để lại. Những người hiểu biết sâu sắc còn dành lòng biết ơn đối với thiên nhiên, với cuộc sống, với tất cả những gì đem lại cho họ sự hài lòng, hạnh phúc.

 

Biết ơn  bầu không khí ta thở, con đường ta đi. Biết ơn cây xanh, bóng mát, mưa xuống, nắng lên…

 

Biết ơn những khổ đau đã giúp ta biết giá trị của hạnh phúc.

 

Biết ơn cả những người đẩy ta vào khó khăn, vì nhờ vậy mà ta biết đứng lên từ đâu để trưởng thành. Có nghĩa là còn nhiều, nhiều lắm những điều con người cần phải biết ơn.

 

Lòng biết ơn không chỉ đem lại hạnh phúc cho bản thân, mà còn mang hạnh phúc cho tất cả mọi người.

 

Với lòng biết ơn, con người biết từ bỏ cái tôi chính mình để hướng đến một lối sống nhân ái, giao hòa.

 

Tiếc rằng ngày nay, nhiều người muốn được người khác biết ơn, nhưng lại có quá ít người biết ơn người khác. Tương tự như việc người ta ham muốn nhiều hơn sẻ chia, không thích cho đi mà chỉ muốn nhận về. Đó là biểu hiện của sự lãng quên ít nhiều bài học về lòng biết ơn và cũng là dấu hiệu cho thấy thói vô ơn có nguy cơ nảy nở, lan rộng.

 

Biểu hiện của sự vô ơn trong cuộc sống đời thường

Khi quên mất bài học về  lòng biết ơn, người ta chỉ biết đến bản thân, quên những ai đã giúp mình, quên công lao của tiền nhân tạo ra thành quả để ta thụ hưởng hàng ngày, thậm chí quên cả công ơn của các bậc sinh thành, dưỡng dục.

 

Sự quên ơn, vô ơn là một thói xấu trái với lòng biết ơn, đáng ra không nên tồn tại, nhưng nó đã và đang diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Quên lòng biết ơn, hành xử của con người trở nên tệ bạc, không những thế còn làm tổn thương cho người khác và gây hậu quả cho toàn xã hội.

 

Một biểu hiện của sự vô ơn rất rõ trong đời sống thường nhật đó là: người ta khoan khoái đưa mắt ngắm nhìn khuôn viên đường phố sạch đẹp, ngửa cổ dưới bóng cây xanh hít thở bầu không khí trong lành nhưng lại chun mũi khinh miệt những người lao công, áo đẫm mồ hôi đi ngang qua.

 

Người ta tấm tắc thưởng thức hải sản tươi ngon, tha hồ quẫy đạp trong làn nước biển mát rượi nhưng lại thẳng tay ném rác, xả thải lềnh bềnh xuống biển không thương tiếc, rồi quay ra chửi đổng: biển bẩn ghê người!

 

Không chỉ người lớn mà đôi lúc chúng ta cũng giật mình vì nhiều những đứa trẻ cũng nhiễm thói vô ơn đáng quan ngại.

 

Khi người mẹ tất tả, nhễ nhại mồ hôi với công việc bếp núc, những đứa trẻ không những không chịu động tay giúp đỡ việc gì đã thế trong bữa ăn còn mè nheo,chê ỏng chê eo, bới từ trên xuống dưới chọn thức ăn ngon cho mình.

 

Không biết dành miếng ăn ngon cho người lớn tuổi trong nhà, không có lời cảm kích với người nhọc công nấu nướng, sấn sổ, quát lác người phục vụ ở nhà hàng, đấy là  vô ơn với người yêu thương, chăm sóc, phục vụ mình.

 

Có những cô cậu học trò phổng phao, xinh đẹp, học hết cấp, thi đạt điểm cao nhưng miệng ngoăn ngoắt nói xấu thầy cô, chê bai bôi nhọ nhà trường. Đấy là vô ơn với người giáo dưỡng mình khôn lớn trưởng thành.

 

Buổi học cuối cùng, có mái đầu bạc nghiêng bên tang trống, dõng dạc điểm hồi dài, báo mãn một năm học, nhưng không một ánh mắt học trò nào thấy được nét buồn vương vương đang dõi theo bóng học sinh cuối cấp ríu ran dần xa ngoài cổng trường. Đơn giản vì người ấy chỉ là ông bảo vệ trường, kiêm quét lớp, đánh trống.

 

Cả ngàn ngày qua mỗi buổi tới lớp, giáp mặt ông còn chả thèm chào thì  ngày xa trường cũng có gì đâu mà phải chú ý.

 

Đấy là biểu hiện của sự vô ơn với những cống hiến, hi sinh thầm lặng của những con người đáng trân quý.

 

Sự vô tâm, vô ơn như cái mộng che mất con ngươi của mắt, nó khiến người ta không thể thấy rõ được “ngọc” giữa đời thường mà chỉ nhìn thấy những lợi ích riêng.

 

Và rồi người ta dùng đủ mọi mánh khóe, mưu đồ để cạnh tranh, giành giật làm cho mối quan hệ người với người trở nên nghiệt ngã.

 

Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho sự vô ơn, bạc bẽo nảy nở ngày một nhiều trong đời sống hiện nay?

 

Phải chăng vì đời sống bận rộn, vì những lo lắng mưu sinh, vì sức hấp dẫn của công nghệ hiện đại, chúng ta đang có những hành xử hết sức vô tâm, vô ơn mà không biết. Hoặc đôi khi nhận ra sự tệ bạc của mình thì lại ngụy biện đổ lỗi tại cuộc sống, công việc và nhiều lí do khác.

 

Tuy nhiên, sâu trong tâm hồn chúng ta không phải là những người vô ơn. Vì thế cần thiết phải nhắc nhở, ôn tập để mỗi người luôn có ý thức  về lòng biết ơn.