TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, giáo viên chỉ nên động viên thay vì can thiệp sâu vào định hướng thi vào lớp 10 của các em học sinh.
 

Đến hẹn lại lên, cứ cuối mỗi năm học lại có không ít phụ huynh tỏ ra bức xúc khi giáo viên mượn danh "định hướng" hay "phân luồng" nhưng thực chất là ép gia đình viết đơn tự nguyện không đăng kí cho con thi vào lớp 10.

Phụ huynh cho rằng, sự "định hướng" thô bạo này của giáo viên đã gián tiếp dập tắt hy vọng, làm nhụt ý chí phấn đấu của học sinh. 

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 là một kỳ thi quan trọng để mỗi học sinh có thể đánh giá được năng lực, sở trường của mình.

Đây cũng là cơ hội để các em được thử thách bản thân, hi vọng, cố gắng hết sức mình và hoàn toàn có thể bứt phá, khơi dậy tinh thần học tích cực. Nhưng đồng thời, đây cũng là quyền chính đáng của các em. Không một ai, kể cả cha mẹ có quyền can thiệp vào quyết định đăng kí dự thi của các em.

 
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, giáo viên chỉ nên động viên thay vì
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, giáo viên chỉ nên động viên thay vì© Được Lao Động cung cấp

"Việc giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm định hướng cho thí sinh không đăng kí dự thi vào lớp 10 được xem như một hình thức xâm phạm vào quyền học tập của học sinh. 

Chưa kể về mặt sư phạm, sứ mệnh của người thầy là cần phải luôn luôn khích lệ, giúp đỡ để các em học sinh phát triển hết khả năng tiềm ẩn của mình. Do đó, chỉ cần các em được xét đủ điều kiện, xác nhận tốt nghiệp THCS tại trường các em theo học thì học sinh hoàn toàn có thể tự quyết định "vé dự thi" của mình" - TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích. 

Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cũng cho rằng, nếu vì bất cứ lí do gì, chẳng hạn như thành tích của nhà trường hay nguyên nhân nào khác mà giáo viên cản trở hay áp đặt, dập tắt hi vọng, ước mơ của học sinh thì đều không đúng với trách nhiệm và lương tâm của nhà giáo. Điều này có thể để lại hệ quả lớn cho các thế hệ học trò tương lai.

"Giáo viên nên tích cực ủng hộ tinh thần, động viên học sinh tham gia thi để các em có thể khai thác hết khả năng và sự quyết tâm của mình" -  TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ quan điểm. 

Trước mỗi kỳ tuyển sinh lớp 10, không ít phụ huynh cho rằng, do các trường sợ ảnh hưởng đến thành tích và xếp loại thi đua, nên mới mượn danh nghĩa "định hướng" để ép học sinh không đăng kí dự thi vào lớp 10.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không đưa kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập thành tiêu chí xếp loại thi đua đối với các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, xác minh các sự việc được phản ánh. Nếu phát hiện đơn vị, trường học nào để xảy ra vi phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập và dự thi của học sinh, Sở sẽ nghiêm khắc xử lý.