“Bệnh “ lười biếng

Có một bộ phận không nhỏ giáo viên rất lười biếng trong việc đọc sách, đầu tư giáo án, chuyên môn, nghiên cứu phương pháp dạy học và quản lý giáo dục đạo đức học sinh. 

Theo thống kê tại một Hội thảo khoa học của Bộ GD&ĐT năm 2010, trong 10 năm, trung bình mỗi giảng viên chỉ có 0,58 bài báo khoa học/ năm. 

Mới đây, ngày 5/1/2016, Báo Thanh niên có đăng tải bài viết “Trường học, giáo viên đi sau đổi mới giáo dục: 20 năm không thay giáo án” đã dẫn ra những ví dụ cụ thể đáng buồn về tình trạng giáo viên lười nhác làm mới giáo án. 

Hệ lụy của “căn bệnh” này khiến những “làn sóng” đổi mới của Bộ GD&ĐT sớm tàn lụi, chất lượng giáo dục không đạt yêu cầu, tiếp tục tụt hậu so với khu vực và thế giới, diễn biến đạo đức, hạnh kiểm của học trò có chiều hướng sa sút, xấu đi. 

“Bệnh” hay so đo và kêu ca 


Nói thẳng có nhiều thầy cô mức độ tâm huyết, hiệu quả, năng suất lao động rất thấp nhưng lại luôn so đo, kêu ca về lương bổng, chế độ, đãi ngộ của Nhà nước chưa tương xứng với công sức của giáo viên bỏ ra, còn thua xa các ngành nghề khác….

Trên 50% giáo viên khi được hỏi đều tư tưởng chán nản với nghề vì chê lương thấp, nhưng lại có nhiều người sẵn sàng bỏ ra mấy trăm triệu để “chạy”, lo lót cho con em có chỗ dạy mà chưa được. 

Gần đến Tết Nguyên đán, những bài ca chạnh lòng về tiền thưởng của giáo viên lại vang lên. Giáo viên ta hãy có cái nhìn thực tế vào hoàn cảnh của đất nước, của các đối tượng công, viên chức khác mà để hài lòng, yên tâm với công việc, cuộc sống của mình. 

Kinh tế đất nước còn khó khăn, tổng GDP mỗi năm chỉ đạt trên 150 tỉ USD (mấy năm gần đây còn các năm trước thì thấp hơn). 

Khi dân số trên 90 triệu người, riêng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước càng phình to với số lượng gần 3 triệu người (trong đó công, viên chức ngành giáo dục chiếm trên 1/3). 

Trong khi đó, ngân sách nhà nước thu không đủ chi; vay, nợ nước ngoài nhiều, năng suất lao động thấp (trong đó có thầy cô giáo), quản lý nhà nước lại lỏng lẻo, bất cập, lãng phí…vậy thì lấy tiền đâu để nâng lương, đãi ngộ cho giáo viên? 

Lực bất tòng tâm. Thực tế, Nhà nước ta, ngành giáo dục, trong thời gian qua, đã rất quan tâm đến đời sống vật chất cho 1,2 triệu cán bộ, giáo viên, giảng viên bằng các chính sách ưu tiên, đãi ngộ như phụ cấp đứng lớp từ 30 đến 70%, thâm niên công tác, chế độ thu hút đối với giáo viên công tác miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. 

Nói đến tổng thu nhập từ lương thì ngành giáo dục hơn hẳn công, viên chức các ngành khác, chỉ thấp hơn ngành công an, quân đội và những lĩnh vực đặc thù. 

Thời bao cấp, đời sống giáo viên đúng thật thảm hại, tháng lương không đủ mua 1 cái áo sơ mi. Nhưng thời nay, nhìn tổng quát và nhìn xuống (so với các đối tượng khác) thì không đến nỗi nào. 

Hầu hết, giáo viên nào cũng có nhà cửa, ăn mặc, phương tiện đi lại… ngon lành, chẳng kém ai, thậm chí có một bộ phận giáo viên (tập trung ở thành phố, nơi có điều kiện tốt) khá giả, nhà lầu, xe hơi…nhờ dạy thêm. 

Được thế này là tốt rồi, nhưng có thầy cô giáo lại không ngớt kêu ca, so đo và ra “điều kiện” quá đáng với ngành, cán bộ quản lý giáo dục, lương giáo viên phải 20 triệu đồng tháng mới xứng đáng, mới tâm huyết, dạy dỗ tốt…như các nước khác. 

Đòi hỏi, thực dụng kiểu đó,có lẽ bán cả đất nước này cũng không đáp ứng được yêu cầu của giáo viên.

"Bệnh" coi thường pháp luật, quy định của ngành


Năm 2015, nổi cộm lên vấn nạn bạo lực học đường, hàng loạt vụ bảo mẫu, giáo viên bạo hành trẻ em, học sinh bị phanh phui, xử lý. 

Mới nhất, một thầy giáo ở một trường THPT ở tỉnh Cà Mau vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng, lấy đề thi kiểm tra học kỳ của nhà trường để “gạ tình” 7 nữ sinh trong trường. 

Nhiều Hiệu trưởng từ phổ thông đến Đại học, Cao đẳng vi phạm, tiêu cực về thu chi tài chính.  

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng dạy học thêm o ép, tràn lan, gây bức xúc xã hội, dư luận, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã ban hành những văn bản, quy định cụ thể, nghiêm cấm giáo viên mở lớp dạy học thêm không phép tại nhà.

Soi vào thực tế, liệu có bao nhiêu thầy giáo tự giác chấp hành đầy đủ quy định pháp luật trên? Học trò mọi nơi vẫn ùm ùm kéo đến lớp dạy thêm tại nhà của giáo viên. 

Các thầy cô giáo là nhà giáo dục, là những tấm gương sáng, truyền thụ tri thức; đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; hình thành nhân cách đạo đức học sinh… mà lại bất chấp, cố tình vi phạm quy định, pháp luật. 

Các thế hệ học trò liệu có còn tin tưởng, nể trọng người thầy, cô hôm nay hay không?    

"Bệnh" sợ đổi mới

Nguyên nhân sâu xa là do phần nhiều thuộc diện “chuột chạy cùng sào” mới đâm đầu vào ngành sư phạm nên tâm huyết, vốn liếng tri thức trong quá trình đào tạo, hoạt động giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng…vẫn không khá lên. 

Lười biếng, hời hợt, sơ sài trong vai trò, trách nhiệm người giáo viên, song có mấy ai bị sa thải, buộc thôi việc vì năng lực, trình độ chuyên môn yếu kém đâu (chỉ trừ vi phạm kỷ luật nặng về đạo đức nhà giáo). 

Một môi trường “an toàn”, dường như không có cạnh tranh, vào được biên chế nhà nước là an tâm đến lúc nghỉ hưu. 

Mấy năm nay “làn sóng” đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, tổ chức kiểm tra, thi cử…từ cấp trên diễn ra rất mạnh mẽ, khẩn trương, đòi hỏi các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo viên cần có nhận thức đúng đắn, đồng thuận cao và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc để làm chuyển biến chất lượng giáo dục. 

Qua theo dõi thực tế, chúng tôi nhận thấy, số giáo viên hưởng ứng, làm tốt thì ít, số giáo viên “quay lưng”, ỳ ạch, phản bác, lúc nào cũng kêu ca, than khó, than khổ thì nhiều. 

Những cái mới của Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai thực hiện, đứng trước nguy cơ thất bại, phá sản. 

Sắp tới đây, khi triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới , với cái đà này, sức ỳ quá lớn của phần đông thầy cô giáo hiện nay, tôi e rằng hiệu quả, thành công của “ trận đánh lớn” ấy khó đạt được như mong muốn.